Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo nái giống (phần 2)
XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI
1. Vị trí chuồng
Cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thoát nước tốt, xa khu dân cư, trường học, chợ, thuận tiện giao thông, chủ động nguồn nước.
2. Hướng chuồng
Mặt trước quay theo hướng Đông Nam (trục chuồng Đông Bắc – Tây Nam) hoặc hướng Nam (trục chuồng Đông Tây). Nếu không thể theo 2 hướng trên thì chuồng phải có tấm rèm để che nắng, che mưa.
Sân chơi hướng Đông thì nái nuôi con và nái chửa tận dụng ánh nắng buổi sáng tạo vitamin D3 giúp heo sinh trưởng, đồng hoá Ca, P tốt. Nắng buổi chiều dễ làm heo mệt mỏi, thở nhiều, bị bệnh mềm xương, con đẻ ra chân yếu vì nắng buổi chiều chứa nhiều tia tử ngoại.
Khoảng cách giữa các chuồng phải đảm bảo thông thoáng, vừa để có đủ ánh sáng chiếu vào vừa giúp cho điều hoà nhiệt độ chuồng nuôi.
3. Kết cấu chuồng và trang thiết bị trong chuồng
3.1. Nền chuồng:
Phải được đầm nén kỹ và cao hơn mặt đất khoảng 30-45cm, có độ dốc phù hợp (3%) để tránh ẩm ướt, ngập úng. Nền nên láng bằng xi măng để dễ vệ sinh, nền chuồng nhanh khô, nhưng phải tạo độ nhám để tránh trơn trượt cho heo.
Trong khi sử dụng nếu nền chuồng chỗ nào hư hỏng thì phải sửa ngay không để lâu ngày vì không an toàn cho heo và khó sửa chửa cho sau này.
– Nền xi măng: thường dùng xỉ than trộn với đất sét rồi đầm chặt, sau đó phủ lên một lớp hồ khô (xi măng trộn với cát nhưng không trộn nước) rồi tiếp tục dầm chặt. Tiếp đó đổ lên một lớp vữa ướt dày khoảng 3cm. Cuối cùng rắc lên một ít xi măng mỏng rồi dùng bàn xoa gỗ tạo mặt phẳng
Kiểu nền này chi phí thấp, thi công dễ dàng. Tuy nhiên kiểu nền này dễ bị ngấm nước và heo ủi phá gây hư hỏng. Khi nền hư hỏng rất khó sửa chửa nên phải đập bỏ làm mới.
– Nền bê tông: là loại nền chắc chắn nhưng đầu tư khá nhiều tiền. Nền bê tông được kết cấu bởi nhiều lớp:
Lớp đất nện: ở dưới cùng,có độ dốc 1 – 3% để làm mặt thoát nước. Lớp đá xanh kích thước đá 4 x 6 cm, dày khoảng 10-15cm được đầm chặt. Lớp đá xanh kích thước 3 x 4 cm, dày khoảng 7-10cm, đầm chặt rồi đổ vữa khô lấp kín các lỗ hổng của đá. Nếu không dùng vữa khô thì có thể dùng cát lấp các lỗ hổng rồi đầm chặt, cũng có thể phun nước cho cát trôi vào các khe hở của viên đá.
Lớp trên cùng: là hỗn hợp bê tông gồm: Đá xanh kích thước 1 x 2cm hoặc 3 x
4cm, vữa xi măng tỷ lệ 1 xi măng 2 cát, lớp hỗn hợp bê tông này dày khoảng 3-
5cm.
Độ dày của lớp bê tông tuỳ thuộc vào độ tuổi và từng loại heo khác nhau để
cho việc đầu tư bớt tốn kém. Đối với heo cái sinh sản thì độ dày lớp bê tông khoảng
5cm, heo con sau cai sữa khoảng 3cm và heo thịt khoảng 4 cm.
– Nền sàn bằng nhựa: Đối với những trại chăn nuôi heo có quy mô lớn, heo nái nuôi con và heo con trong thời gian theo mẹ được nuôi trên nền sàn bằng nhựa. Loại nền sàn này có ưu điểm là sạch sẽ khô ráo, ấm áp và độ bền tốt nhưng giá thành khá đắt.
3.2. Tường
Tường là bộ phận cơ cấu nên chuồng trại nuôi heo, có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi. Khi xây dựng cần chú ý:
– Móng tường: Trước khi xây tường phải xử lý móng chu đáo, móng vững thì tường mới bền. Nếu đất làm chuồng yếu thì móng phải dày, chắc để tránh sụt nứt. Móng có đá hoặc tận dụng gạch vỡ để xây sẽ làm giảm chi phí trong xây dựng chuồng nuôi.
– Thân tường: thân tường chuồng heo phải kiên cố vì những heo nái khi hưng phấn sinh dục sẽ phá phách rất dữ dội. Tường đảm bảo độ cao phù hợp với từng loại heo để heo không nhảy ra ngoài được, không quá cao vì sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi khi muốn can thiệp trong chuồng.
Tường chuồng nên có những lỗ thông thoáng. Nếu chuồng ở đầu hồi thì tường phải xây kín, còn tường ngăn phía trong chuồng xây lửng để tăng thông thoáng, tường thường được xây bằng gạch ống và xi măng.
3.3. Hành lang và cửa chuồng nuôi
– Cửa chuồng nuôi: cửa chuồng heo có chiều rộng khoảng 60cm, cao bằng tường vách. Cửa cao hơn mặt nền 1-2cm để dễ thoát nước từ hành lang chăm sóc, nhưng không cao hơn vì heo có thể dúi mõm vào đáy cửa để hất, gặm phá cửa.
Vật liệu làm cửa có thể bằng gỗ ván, sắt hay song sắt. Mỗi loại vật liệu đều có ưu điểm và hạn chế, vì vậy tuỳ điều kiện thực tế mà người chăn nuôi chọn loại vật liệu làm cửa.
Bản lề cửa bắt ăn sâu vào góc 2 tường, sức chịu lực tốt hơn gắn vào tường đơn. Hướng cửa mở vào trong heo khó ủi phá cửa, tránh hỏng chốt gài cửa, tránh nguy hiểm cho người khi đóng mở cửa.
Chốt gài cửa bố trí bên ngoài. Không nên bố trí bất kỳ chướng ngại vật gì ngoài cửa chuồng (như rãnh đường mương sâu hoặc máng ăn) sẽ làm cho heo sợ hãi khó lùa qua cửa chuồng.
– Hành lang: là lối đi dành cho người chăn nuôi đi lại cho ăn và chăm sóc heo. Hành lang cũng là đường vận chuyển heo từ ô chuồng này đến ô chuồng khác, hoặc chuyển heo đi cân xuất bán. Khi xây dựng cần phải đáp ứng những yêu cầu: Rộng khoảng 1,2m; có độ dốc để nước không đọng, đảm bảo độ ma sát tránh trơn trợt, hướng thoát nước về phía cuối chuồng.
3.4. Mái chuồng:
Có thể làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau. Mái chuồng ngoài tác dụng che mưa nắng còn có tác dụng điều hoà nhiệt độ trong chuồng nuôi thông qua các vật liệu làm mái khác nhau. Mái chuồng cao vừa phải để đảm bảo thông thoáng và tránh mưa tạt vào.
– Mái lá: dùng phổ biến ở vùng nông thôn, trong những quy mô chăn nuôi nhỏ. Có thể dùng lá cọ hay lá dừa làm mái chuồng. Mái lá rất nhẹ nên không đòi hỏi phải xây chuồng trại chắc chắn. Chuồng lợp mái lá rất mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, tuy nhiên mái lá rất mau mục nát gây dột nước vì vậy tuổi thọ mái lá không cao; thông thường khoảng 1-3 năm phải thay mới.
– Mái tôn: mái có độ bền cao, thời gian sử dụng dài, giá thành cao hơn mái lá. Mái tôn dễ hấp thu nhiệt nên vào mùa hè chuồng heo rất nóng, vào mùa đông lại rất lạnh. Vì vậy nếu làm mái tôn cần phải làm cao và thông thoáng và phải có biện pháp chống nóng vào mùa hè cho heo.
– Mái Phi – brô xi măng: thường sử dụng rộng rãi trong xây dựng chuồng do giá thành rẻ hơn mái tôn, nhưng do chất liệu tạo mái là xi măng nên rất nặng, vì vậy chuồng cần xây dựng chắc chắn, dễ ngấm nước gây gãy mục, ngoài ra mái này cũng hấp thu nhiệt lớn như mái tôn nên cần có biện pháp chống nóng cho heo vào mùa hè.
Các kiểu mái chuồng: Mái chuồng heo có thể xây dựng kiểu 1 mái, kiểu mái lỡ hay 2 mái đơn, 2 mái đôi (trại chăn nuôi quy mô lớn).
– Kiểu một mái: thoáng khí, mát nhưng dễ bị mưa tạt, gió lùa, nắng dọi vào chuồng.
– Kiểu mái lỡ: thoáng, mát, hạn chế mưa tạt, gió lùa nhưng tốn thêm chi phí lợp mái lỡ.
– Kiểu 2 mái đơn: tiết kiệm được diện tích so với chuồng mái lỡ, nhưng hơi nóng và ẩm độ trong chuồng khó thoát ra khỏi 2 mái, có thể bố trí thêm quạt hút.
3.5. Máng ăn và máng uống
+ Máng ăn: có nhiều loại tuỳ theo kiểu chuồng và độ tuổi của heo
– Máng đúc cố định vào chuồng: thức ăn dư thừa khó cọ rữa, vệ sinh.
– Máng tự động bằng inox hay bằng gang, thường đặt trên mặt nền chuồng nên luôn khô ráo, sạch, độ bền cao; giá thành cao.
+ Máng uống: hiện nay dùng hệ thống cung cấp nước là núm uống tự động. nước được dẫn từ bể cao áp đến bể điều áp nên kiểm tra được vệ sinh nguồn nước. Chi phí đầu tư ban đầu khá cao.
3.6. Bể chứa nước: Trung bình nhu cầu nước cho tắm rửa, ăn uống một heo khoảng 50 lít nước/con/ngày. Lượng nước này tăng vào mùa nóng và giảm vào ngày mưa dầm. Vì vậy dự trù số lượng heo nuôi mà xây bể chứa. Để giảm chi phí nên xây thành nhiều bể, các bể thông nhau bằng các van. Các bể xây nổi trên mặt đất, có lỗ thoát nước để dễ cọ rữa và loại bỏ rác, cặn bã phù sa. Bể có nắp đậy bên trên tránh tạp chất rơi vào.
3.7. Diện tích chuồng nuôi: Phù hợp với từng giai đoạn sản xuất và độ tuổi của heo
Bảng 2.2. Mật độ heo nuôi
Giai đoạn | Số con nuôi
/chuồng (con) |
Diện tích (m2/con) | |
Chuồng nền | Chuồng sàn | ||
Heo hậu bị
Heo nái nuôi con và heo con Heo nái khô, chửa Heo sau cai sữa |
1 2-3 hoặc 1 <20 |
1 – 2
6 – 8 2 – 3 0,5 – 0,8 |
0,5 – 0,8
3,96 – 4,32 1,32 – 1,5 0,2 – 0,4 |
Mùa hè nắng nóng thì mật độ nuôi thưa hơn mùa mưa lạnh. Đối với chuồng heo nái, có thể ngăn thành ô úm hoặc lồng úm riêng để có điều kiện sưởi ấm cho heo con trong giai đoạn đầu sau khi sinh.
2. Các loại chuồng nuôi heo sinh sản
2.1. Chuồng nuôi heo cái hậu bị
Heo hậu bị có thể được nuôi trong chuồng nền hoặc chuồng sàn với hệ thống thông gió tự nhiên. Tuy nhiên vẫn phải lưu ý đến những yêu cầu về tiểu khí hậu chuồng nuôi, mật độ nhốt và diện tích nuôi cho 1 con.
2.2. Chuồng nuôi nái chờ phối sau cai sữa con và nái mang thai
Chuồng thường được xây thành 2 dãy đối diện với hành lang ở giữa dùng để cho ăn, chăm sóc. Máng ăn ở phía trước chuồng, máng uống ở phía sau nếu là chuồng nuôi chung nhiều heo hoặc máng uống ở phía trước nếu là chuồng cá thể.
Heo nái được nhốt ở chuồng cá thể hay nhốt chung 2-3 heo nái trong một chuồng. Khuynh hướng hiện nay là nhốt ở chuồng cá thể để dễ theo dõi và giảm stress cho heo.
2.3. Chuồng nái nuôi con
Chuồng nái nuôi con hiện nay thường dùng chuồng lồng. Chuồng gồm 3 ngăn:
ngăn giữa dành cho heo mẹ và 2 ngăn ở hai bên dành cho heo con.
Tổng diện tích chuồng khoảng 3,96 – 4,32 m2; kích thước 2,2 – 2,4m x 1,8m chiều rộng (0,6m ở giữa cho heo mẹ và 0,8 và 0,4m mỗi bên cho heo con). Chiều cao của ngăn heo mẹ là 0,9 – 1m, chiều cao của ngăn heo con là 0,5 – 0,6m.
Máng ăn đặt cao hơn sàn chuồng 0,25m. Heo con qua lại tự do bú mẹ mà không sợ bị mẹ đè nhờ các thanh sắt đặt cách sàn chuồng 0,25 – 0,3m.
Thời gian heo nái đẻ trong chuồng lồng biến động theo quy cách quản lý và tận dụng chuồng của từng trại. Đa số các trại đều nuôi heo mẹ và heo con trong lồng cho đến khi cai sữa heo con.
2.4. Chuồng heo cai sữa
– Chuồng nền bằng bê tông: heo dễ bị lạnh do nền chuồng ẩm ướtnên heo dễ
bệnh tiêu chảy, viêmphổi,…
– Chuồng sàn hở 1 phần: sàn cách mặt đất 0,6m; heo ngủ và ăn ở phần sàn liền, phần sàn hở có núm uống và là nơi tiêu tiểu.
3. Hệ thống xử lý chất thải
Chất thải được thu gom và xử lý đúng cách để có được lượng lớn phân bón cho trồng trọt, đồng thời không gây hôi, không làm ô nhiễm đất và nước xung quanh trại. Hệ thống thu gom và xử lý chất thải (phân, nước rửa chuồng, nước tắm heo) gồm có đường mương, nhà ủ phân và các bể lắng gạn, hầm phân huỷ và túi sinh học.
3.1. Đường mương
Đường mương có độ dố 1 – 1,5% và được xây bằng bêtông chắc chắn. Bề rộng thay đổi tuỳ theo lưu lượng nước thải, biến động khoảng 0,2 – 0,5m.
3.2. Nhà ủ phân và bể lắng phân
– Nhà ủ phân phải có nóc, tường che và đường mương xung quanhđể dẫn nước dơ về bể lắng phân. Đây là môi trường tốt cho ruồi sinh sản (nhất là khi phân bị ướt), vì vậy nên giữ phân khô, phủ đống phân bằng tấm nylon đen để tạo nguồn nhiệt làm phân mau hoai đồng thời giết được trứng ruồi hay vi sinh vật gây bệnh.
– Bể lắng phân: đường kính tuỳ thuộc vào khối lượng nước, phân chảy tới và khí hậu
Lượng phân hàng ngày có thể được ước tính theo cách đơn giản sau: 1m3 phân/50 nái và heo con; 1m3 phân/75 – 85 nái hậu bị, nái khô chờ phối; 1m3 phân/220 – 260 heo sau cai sữa
3.3. Hầm phân huỷ và túi sinh học
Các trang thiết bị này giúp xử lý chất thải, giảm mùi hôi đồng thời tạo khí mêtan dùng sinh nhiệt nấu nướng, chạy máy phát điện. Trong chăn nuôi gia đình (<50 heo) có thể sử dụng túi sinh học bằng plastic, trại quy mô lớn hơn xây dựng hầm phân huỷ bằng bê tông.
Thạc sĩ Lê Đĩnh Nghi
Leave a Reply