Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo nái giống (phần 4)
PHẦN 4: NUÔI HEO MANG THAI VÀ SINH SẢN
1. Heo nái chửa
1.1. Nhận biết heo nái chửa
Nhận biết heo nái chữa giúp người chăn nuôi có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp đảm bảo thai phát triển bình thường và heo mẹ khoẻ, tránh tình trạng bệnh lý cho cả mẹ lẫn bào thai.
Phát hiện nái sinh sản có bệnh hay không để loại thải kịp thời, giảm chi phí chăn nuôi.
Phương pháp nhận biết nái mang thai: Trước khi tiến hành chẩn đoán nái có thai hay không cần nắm rõ một số thông tin sau:
– Thời gian phối giống cho heo lần cuối cùng, số lần phối.
– Sau khi phối giống heo có động dục lại không.
– Heo có bệnh về đường sinh dục không.
– Tình hình nuôi dưỡng heo nái.
Cách nhận biết heo chửa
– Nhìn bên ngoài: nái có thai thường xuất hiện trạng thái phù thũng ở tứ chi, thành bụng. Tuyến vú phát triển to lên, bè ra. Heo yên tĩnh ăn uống tốt và ngủ ngon, bụng phát triển to lên. Heo không có biểu hiện động dục lại sau 21 ngày kể từ lúc phối.
1.2. Nuôi dưỡng nái chửa
Heo nái đẻ sai con, heo con có khối lượng sơ sinh cao, dự trữ đủ sữa cho con bú, cơ thể mẹ không bị hao mòn lớn, sớm động dục trở lại, tăng số lứa đẻ trên năm.
Chế độ cho ăn:
– Chửa kỳ I (từ khi phối đến mang thai 90 ngày): lượng thức ăn cho ăn 1,8-2 kg/ngày
– Chửa kỳ II (mang thai 91 ngày – 110 ngày): lượng thức ăn cho ăn 2,2-2,4 kg/ngày
– Trước khi sanh 3-5 ngày: lượng thức ăn cho ăn 1,0 – 1,5 kg/ngày để phòng viêm vú cho nái sau khi sanh và tránh chèn ép thai.
– Cho ăn hỗn hợp trước, rau xanh bổ sung sau.
– Cho ăn đúng giờ để kích thích tính thèm ăn.
– Không cho ăn thức ăn ôi mốc, hư hỏng.
– Khi thay đổi thức ăn phải thay đổi từ từ.
1.3. Chăm sóc nái chửa
Chế độ vận động
– Giai đoạn chửa kỳ I: hàng ngày thả heo ra sân đi dạo ngày 2 lần, mỗi lần 1 – 2giờ vào sáng sớm và chiều mát.
– Giai đoạn chửa kỳ II: mỗi ngày thả heo ra sân đi dạo 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát
– Trước khi sanh 2 – 3 ngày: cho heo ngưng vận động.
– Không rượt đuổi heo vượt tường từ chuồng này sang chuồng khác.
2. Heo nái sanh
2.1. Nhận biết heo nái sắp sanh
Căn cứ vào ngày phối giống có chửa để dự tính ngày đẻ dự kiến.
Những biểu hiện của heo nái sắp sanh:
– Heo nái sắp sanh thường đi lại nhiều, bồn chồn
– Đái dắt (tiểu mót), đi phân lắt nhắt nhiều chỗ
– Cào ổ: cào chân vào nền chuồng, cắn song chuồng hay máng ăn
– Âm hộ nở to
– Tiết dịch nhờn màu hồng
Bảng 2.1. Biểu hiện của heo nái sắp sanh
Trước khi sanh | Biểu hiện |
0 – 10 ngày | Tuyến vú to lên, rắn chắc, hai môi âm hộ sưng |
2 ngày | Tuyến vú cương, căng, tiết dịch trong |
12- 24 giờ |
Bầu vú căng, tĩnh mạch vú nổi rõ, tuyến vú bắt đầu tiết sữa;
heo không yên tĩnh, cắn ổ |
6 giờ | Tiết nhiều sữa, dùng tay vắt được sữa ở vú sau |
30 phút – 4 giờ |
Tần số hô hấp tăng |
15 -60 phút |
Nằm nghiêng và nằm yên, có biểu hiện căng thẳng, ra máu hồng, dịch nhầy và phân bào thai (phân xu) chảy ra dính ở âm hộ, 2 bên mông nái và nền chuồng |
2.2. Chăm sóc heo nái sắp sanh, trong khi sanh và sau khi sanh
2.2.1. Chăm sóc heo nái sắp sanh
– Công việc chuẩn bị trước khi heo nái sanh
– 3 – 6 tuần trước khi sanh: ngừa giả dại; thương hàn; phòng bệnh tiêu chảy phân trắng do E,Coli bằng vaccine Neocolipor (của Rhone)…
– 2 tuần trước khi sanh: xổ lãi, diệt ký sinh trùng ngoài da để tránh lây ghẻ và nhiễm giun sán cho heo con theo mẹ ngay từ những ngày đầu sau khi mới sinh ra, vệ sinh sát trùng chuồng trại.
– Trước khi đưa heo nái vào chuồng sanh: tẩy uế sạch sẽ, khử trùng toàn bộ nền chuồng, ô chuồng, sàn chuồng, thành chuồng nái sanh bằng nước vôi (pha loãng 20%) hay chất khử trùng và được để trống chuồng tối thiểu 7 ngày trước khi chuyển heo nái vào.
– Khoảng 5 – 7 ngày trước khi sanh: tắm rửa nái sạch sẽ bằng xà phòng rồi chuyển vào chuồng sanh, chuyển cho nái ăn thức ăn dành cho heo nái nuôi con nhằm giúp heo nái quen với chuồng nái sanh và thức ăn dành cho nái nuôi con.
– Cần xoa bóp bầu vú cho heo nái trước khi sanh một tuần.
– 3 – 5 ngày (tùy thể trạng) trước khi heo sanh giảm khẩu phần thức ăn xuống còn 1,0 – 1,5 kg/con/ngày. Ngày heo sanh có thể không cho ăn để tránh sốt sữa nhưng phải cung cấp đầy đủ nước sạch cho uống.
– Tắm cho heo nái trước khi sanh, dùng khăn thấm nước xà phòng lau sạch bầu vú và âm hộ nhằm tránh nguy cơ heo con sơ sinh bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc với heo mẹ.
+ Chuẩn bị ổ úm cho heo con
– Dùng 1 cái thùng, thúng hay bội để làm ổ úm cho heo con, kích thước khoảng 1,2 x 1,5 m (chuồng nền truyền thống)
– Sàn được lót bằng rơm hoặc cỏ khô sạch, bao bố, vải vụn… treo bóng đèn điện (cách sàn 0,3m) để cung cấp nhiệt. Bóng đèn có thể là bóng điện 100W, tốt hơn có thể mua bóng đèn hồng ngoại công suất 250W (ngoài tác dụng sưởi ấm, bóng đèn hồng ngoại còn có tác dụng diệt khuẩn trong ô chuồng heo con).
– Vách : dùng màn che xung quanh
Chuẩn bị dụng cụ và thuốc thú y
– Dụng cụ: Kéo, pince, kiềm bấm răng, bấm đuôi, chỉ nylon dùng cột rốn, đèn úm, khăn lau bằng vải xô mềm và sạch để lau cho heo con, đèn pin, cân, bóng đèn điện để sưởi hoặc lò sưởi…
– Thuốc thú y: cồn iod 2%, xanh methylen, oxytocin, cồn 700, thuốc trợ sức, thuốc cầm máu, thuốc tím,…
2.2.2. Chăm sóc heo nái trong khi sanh
* Can thiệp một ca nái đẻ bình thường
Phải túc trực ở bên heo nái là cần thiết để có thể hỗ trợ cho heo trong nhiều trường hợp bất thường khi thấy có các dấu hiệu chuyển dạ đẻ như vú căng và sữa bắn thành tia đã hơn 2 giờ, heo đã nằm xuống chứ không còn đứng lên nằm xuống liên tục, âm hộ ra phân xu và dịch màu hồng, heo nái rặn từng cơn là heo con sắp ra.
Điều cần chú ý trong giai đoạn này là chỉ can thiệp khi cần thiết, để cho heo được đẻ tự nhiên càng thoải mái càng tốt. Heo nái tơ thường đẻ khó hơn heo nái rạ.
Bình thường cứ sau mỗi cơn rặn mạnh, heo nái co chân sau lên là heo con được mẹ rặn đẩy ra ngoài.
Thường mỗi heo con đẻ ra cách khoảng 15-20 phút, mỗi ổ heo đẻ hoàn tất khoảng 2 – 5 giờ và ra nhau khoảng 2 – 3 giờ sau khi đẻ con cuối cùng (hoặc cũng có nái vừa đẻ vừa ra nhau).
* Thực hiện đỡ đẻ heo
– Rửa sạch phần sau heo nái, lau khô.
– Sát trùng tay người đỡ đẻ bằng cách rửa sạch tay bằng xà phòng, sát trùng tay bằng cồn, mang bao tay (vô trùng).
– Khi heo nái đẻ, có thể đầu heo con ra trước hoặc 2 chân sau ra trước.
– Heo con tự làm rách màng nhau và lọt ra ngoài, ta đón lấy thai. Trường hợp heo con sanh bọc (hình bên), ta cần nhanh chóng xé màng nhau để heo con khỏi bị ngạt.
– Nắm chặt cuống rốn để tránh xuất huyết sau khi đứt rời với cuống nhau còn trong bộ phận sinh dục nái
– Lấy khăn sạch và mềm để móc hết những chất nhầy trong mũi và miệng ra, giúp heo hô hấp dễ dàng, tiếp theo lau toàn thân rồi đến 4 chân
– Rắc bột Mistral giữ ấm lên khắp thân heo con.
Nếu heo con bị ngạt phải làm hô hấp nhân tạo bằng cách:
+ Dùng hai ngón tay xoa mạnh từ trên xuống dưới dọc theo xương sống phía hai bên phổi để kích thích hô hấp hoặc để heo con nằm ngửa đưa hai chân trước của heo lên xuống nhịp nhàng.
+ Có thể dùng thuốc trợ tim Camphora tiêm 1-2ml/con.
+ Nếu nặng hơn thì ngâm mình heo con vào nước ấm (30 – 350C) trong 30 – 60 giây rồi đem ra hô hấp nhân tạo tiếp, heo con có thể phục hồi nhanh hơn.
– Dùng chỉ nylon cột rốn cách thành bụng khoảng 4cm
– Dùng kéo đã được sát trùng cắt cách mối cột 1cm, sát trùng bằng bông y tế nhúng cồn iốt 2% hay xanh methylen sát trùng chỗ cắt, mỗi ngày bôi rốn 2 lần cho đến khô. Hiện nay, một số trại người ta không cột và cắt rốn, dùng Mistral rắt lên để tự khô và rụng (chỉ cột rốn khi có chảy máu nhiều).
* Cắt đuôi
– Để chống nhiễm trùng và viêm khớp nên dùng kiềm nhiệt để cắt đuôi.
– Chú ý không nên cắt quá sát vào khấu đuôi của heo con.
* Úm heo
Sau khi cắt đuôi đặt heo con vào thùng hay chuồng úm đã lót sẵn rơm, lá chuối khô hoặc bao bố và đèn úm đã được bật.
Giữ ấm cho heo con từ 31-33oC trong mấy ngày đầu sau khi mới được sinh ra vì trung tâm điều chỉnh nhiệt ở heo con phát triển chưa hoàn chỉnh. Vì vậy mỗi một biến động nhiệt độ ngoài nhiệt độ thích hợp đều ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe heo con. Biên độ dao động nhiệt độ đối với heo con trong thời kỳ theo mẹ là từ 21- 350C, vậy để nhiệt độ trong khu vực chuồng nái đẻ vừa thích hợp cho heo mẹ, vừa thích hợp cho heo con là một vấn đề không dễ. Để có được nhiệt độ thích hợp cho heo con trong điều kiện heo mẹ không phải chịu nhiệt độ cao thì nhất thiết phải có bóng đèn để sưởi ấm heo con, đặc biệt vào những mùa đông, mùa thu, mưa bão kéo dài và những ngày đầu sau khi heo con mới sinh của tất cả các mùa trong năm.
Cần lưu ý độ cao thích hợp của bóng đèn. Độ cao bóng đèn cách mặt sàn chuồng khoảng 50-60 cm là thích hợp, không để thấp hoặc quá cao, đặc biệt cần nhận biết:
– Nếu để bóng đèn quá thấp heo con bị nóng, heo sẽ tản dạt ra xung quanh, mỗi con nằm riêng một nơi khắp ô chuồng
– Trong trường hợp ngược lại khi bóng đèn để ở quá cao hoặc nhiệt độ ô chuồng lạnh không đáp ứng được nhiệt độ thích hợp thì heo con nằm chồng chất lên nhau và run rẩy.
– Heo nằm con nọ kề cạnh con kia là nhiệt độ thích hợp.
Sự nhạy cảm về nhiệt độ không đủ ấm đối với heo con vào những ngày đầu sau khi sinh ra (1-7 ngày) đặc biệt vào những ngày lạnh, mùa đông thường làm cho heo con bị viêm phổi, tiêu chảy và tỷ lệ chết rất cao.
Dưới đây là khuyến cáo về nhiệt độ thích hợp cho heo con trong thời kỳ theo mẹ. Heo con từ 1 – 15 ngày tuổi cần được giữ ấm. Thời gian này tuyệt đối khôngtắm cho heo mẹ và heo con, hàng ngày chỉ chải khô. Giữ chuồng sạch sẽ khô ráo (cào phân thường xuyên, không rửa chuồng ở giai đoạn này).
2.2.3. Chăm sóc heo nái sau khi sanh
* Theo dõi heo mẹ sau khi đẻ xong
– Theo dõi số lượng nhau ra bằng cách gom nhau lại bỏ vào xô có nắp đậy, đếm số cuống rốn phải bằng số con đẻ ra.
– Dùng nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím 0,1% lau rửa mép âm môn, rửa bầu vú bằng nước xà phòng ấm trước khi cho heo con bú.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe heo mẹ sau khi đẻ; màu sắc, lượng và mùi dịch hậu sản; kiểm tra thân nhiệt heo mẹ ngày 2 lần (sáng, chiều) liên tục trong 3 ngày đầu để can thiệp kịp thời, tránh trường hợp heo mẹ bị sốt gây mất sữa, nếu sốt cao phải chích hạ sốt và tùy nguyên nhân cụ thể mà can thiệp.
– Có thể cho heo mẹ uống nước sạch có pha thêm muối, ngày đầu sau sanh thường cho ăn cháo, hoặc cho ăn thức ăn hỗn hợp với số lượng ít (tránh viêm vú), sau đó cho ăn tự do.
3. Heo nái nuôi con
3.1. Chăm sóc nuôi dưỡng heo nái nuôi con
– Vận động: sau khi đẻ 5 – 7 ngày nên cho heo nái vận động 30 phút/ngày. Chú ý bảo vệ bầu vú cho heo mẹ, nếu bầu vú quá sệ chỉ cho vận động trong sân chơi. Heo nuôi công nghiệp không có điều kiện cho vận động nên cần cung cấp đủ dinh dưỡng, khoáng và vitamin.
– Nuôi dưỡng heo nái nuôi con không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho duy trì cơ thể mà một phần dinh dưỡng rất quan trọng sẽ được dùng để phục vụ cho nhu cầu tiết sữa. Do cơ thể heo mẹ rất ưu tiên cho việc tiết sữa cho nên nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, heo mẹ sẽ phải huy động chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể để tiết sữa dẫn đến heo nái bị hao mònnhiều và sẽ ảnh hưởng đến lần sinh sản sau.
Trong giai đoạn nuôi con thường heo nái được cho ăn tự do với hàm lượng protein thô trong thức ăn là 14% và năng lượng trao đổi là 3000Kcal/kg (heo nội). Heo ngoại ăn thức ăn có hàm lượng protein thô là 15 – 16% và năng lượng trao đổi là 3000Kcal/kg. Khẩu phần thức ăn phải đảm bảo đủ khoáng và vitamin, nếu thiếu canxi, có thể gây hiện tượng bại liệt. Dựa vào tiêu chuẩn ăn có thể phối trộn các thực liệu thành khẩu phần ăn hợp lý cho heo nái.
Heo nái trong thời gian nuôi con cần tạo môi trường ngoại cảnh tốt, chuồng ấm, thoáng, lưu thông không khí tốt, không có gió lùa, tránh gây stress cho đàn heo con, giữ yên tĩnh khi heo mẹ cho con bú.
3.2. Vệ sinh – Phòng bệnh heo nái nuôi con
Heo nái nuôi con phải sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên, đảm bảo thoáng, sạch khô và ấm cho heo con.
Heo nái trong thời gian nuôi con không nên tắm để hạn chế ẩm độ chuồng nuôi, tuy nhiên có thể chải cho heo mẹ.
Việc sử dụng chuồng lồng cho heo, có hệ thống làm mát và thông gió tạo điều kiện rất thích hợp để chăn nuôi heo nái năng suất cao.
Thạc sĩ Lê Đĩnh Nghi
Leave a Reply