Nhà nông vượt khó trở thành tỷ phú
Trước năm 2004, như bao hộ dân ở địa phương, gia đình ông Nguyễn Tiến Định ở thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa – Bắc Giang) sống nhờ vào mấy sào ruộng khoán. Để có tiền nuôi con ăn học, ông đã phải làm nhiều nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng.
Bà Dương Thị Liên (vợ ông Định) thường xuyên kiểm tra đàn lợn.
Với suy nghĩ phải thay đổi cách làm để cải thiện cuộc sống, năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình nuôi lợn siêu nạc. Ban đầu, gia đình chỉ tập trung chăn nuôi lợn thịt, nhưng sau mỗi lứa xuất bán lại khó khăn trong việc mua con giống. Hơn nữa, mua giống lợn từ nơi khác về không rõ nguồn gốc xuất xứ, khó kiểm soát dịch bệnh, trong khi đó nhu cầu mua lợn giống của nông dân trong và ngoài xã rất lớn. Cuối năm 2005, gia đình ông nuôi thêm cả lợn nái để cung cấp giống cho gia đình và bà con trong vùng.
Khi quyết định làm giàu từ chăn nuôi lợn, gia đình ông xác định phải áp dụng mô hình khép kín trong chăn thả, chủ động cả con nái, đực nhảy và con giống. Theo đó, ông thầu ruộng của thôn với diện tích 7.000m2, đầu tư xây dựng trang trại khép kín. Khu chuồng trại được ông chia làm 3 khu, khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ và khu nuôi lợn thịt siêu nạc. Với diện tích 500m2/chuồng, ông nuôi 250 con lợn thịt hoặc 100 lợn nái. Hiện, gia đình ông Định có 200 lợn nái đẻ, trên 1.000 lợn thịt, trung bình mỗi tháng xuất bán 15 tấn lợn thịt đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên… doanh thu đạt 700 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, lãi trên 50 triệu đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động.
Nói về kinh nghiệm nuôi lợn siêu nạc, ông Định thổ lộ: “Muốn chăn nuôi thành công, điều quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y, giữ cho nhiệt độ của chuồng hợp lý, chẳng hạn trời nóng phải có giàn phun nước làm mát, mùa đông che chắn kín gió, đặc biệt phải chú ý đến việc bổ sung thực phẩm chức năng cho đàn lợn theo từng lứa tuổi”.
Là chủ trang trại lớn, ông Định không ngần ngại trao đổi kinh nghiệm cho các hộ dân trong và ngoài huyện đến tham quan học tập. Nhiều hộ trong xã thiếu vốn, ông cấp lợn con không tính lãi.
Mai Anh
Leave a Reply