Thách thức “đè nặng” chăn nuôi ở Việt Nam
Sức cạnh tranh thấp, phát triển chậm và không ổn định, dịch bệnh rình rập…, ngành chăn nuôi đang đứng trước những thách thức vô cùng nan giải.
Trong khi đó, làn sóng đầu tư, NK các sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài sắp sửa ùa vào nước ta.
Đó là những trăn trở lớn mà nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị triển khai công tác Chăn nuôi – Thú y toàn quốc diễn ra hôm qua (26/8).
Thách thức hàng nhập khẩu
Theo Cục Chăn nuôi, nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tín hiệu thị trường sôi động trở lại nên nửa đầu năm 2014, ngành chăn nuôi đã khởi sắc trở lại, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 3% (so với mức tăng 1,9% năm 2013). Dự báo, nếu duy trì được tốc độ này, chăn nuôi năm 2014 sẽ có mức tăng trưởng khoảng 5%.
Trong khi đó theo Cục Thú y, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trong một thời gian dài nên đến nay, Cục Thú y phối hợp với các địa phương đang tập trung quyết liệt triển khai thí điểm các vùng an toàn dịch bệnh tại 7 tỉnh trên cả nước.
Đây được xem là hướng kiểm soát dịch bệnh mang tính bền vững, lâu dài của ngành thú y nhằm chuyển từ tình trạng bị động chạy theo dịch bệnh sang chiến lược chủ động kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi tình hình dịch bệnh, giá cả sản phẩm chăn nuôi trong nước thời gian qua tương đối khả quan, thì điều đáng lo là lượng sản phẩm chăn nuôi, nguyên liệu TĂCN nhập khẩu tiếp tục tăng vọt.
Cụ thể 7 tháng đầu năm, NK lợn giống tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2013; NK sản phẩm thịt lợn gần 2 ngàn tấn, tăng 9,4%; sản phẩm thịt gà NK hơn 51 nghìn tấn, tăng 22%; trâu bò sống NK hơn 150 nghìn con, tăng 11%… Đặc biệt, NK nguyên liệu TĂCN 7 tháng đầu năm lên tới 5,9 triệu tấn, tăng 55% so với cùng kỳ.
Đánh giá về những thách thức cho ngành chăn nuôi hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng cho rằng, mặc dù là ngành chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp của nước ta và nhận được nhiều chính sách bảo trợ, tuy nhiên trong khi ngành trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đã có nhiều mặt hàng có vị thế quốc tế, thì ngành chăn nuôi đóng góp cho XK hết sức khiêm tốn.
Không những thế, lượng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt gia súc và nguyên liệu TĂCN NK vào nước ta đang rất lớn. Hiện nay, mặc dù thịt gia súc và sữa có dư địa phát triển lớn ở nước ta, nhưng thịt bò NK đã chiếm 30% thị phần, sữa chiếm 70%. Vì vậy, việc giữ vững thị phần cho các sản phẩm này là bài toán sống còn.
Nóng bỏng chuyện con giống
Nửa đầu năm 2014, bò sữa tiếp tục khẳng định sự phát triển vượt bậc với tốc độ tăng đàn ước trên 14%, vượt mốc 200 nghìn con bò sữa. Tại hội nghị hôm qua, hàng loạt địa phương như Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… cho biết tốc độ phát triển đàn bò sữa rất khả quan. Tuy nhiên, vấn đề giống bò sữa đang là mối quan tâm lớn của các địa phương.
Ông Bùi Như Ý, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc băn khoăn: Vĩnh Phúc có trên 6.000 con bò sữa, đứng thứ 8 cả nước, nhưng việc kiểm soát thụ tinh, nhân giống bò sữa không thể kiểm soát.
“Năng suất sữa bình quân của bò sữa trên địa bàn ước chỉ đạt 5 nghìn lít/chu kỳ, trong khi thế giới hiện lên tới 10 nghìn lít/chu kỳ. Với giống bò sữa trong dân hiện nay, cộng với việc thụ tinh không được kiểm soát, dù có cho ăn bao nhiêu, năng suất sữa cũng chỉ có vậy là cùng”, ông Ý cho hay.
Không chỉ có bò sữa, việc quản lí con giống và thụ tinh đối với bò thịt, lợn… cũng đang khiến nhiều địa phương đau đầu. Ông Nguyễn Văn Tịnh, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương bức xúc: “Có tình trạng một số DN bán TĂCN, còn kèm khuyến mãi thêm tinh lợn cho trang trại. Có trang trại lợn lúc thừa tinh lại lấy ra bán tùm lum trên thị trường, cơ quan quản lí nhà nước không thể biết loại tinh ấy, giống ấy là giống gì”.
“Về những giải pháp trước mắt, trong khi chúng ta chưa kỳ vọng sẽ tháo gỡ được vấn đề thị trường, sẽ phải tập trung để giữ thị phần trong nước bằng việc kiểm soát sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, quyết liệt kiểm soát chất lượng giống, chất lượng TĂCN và thuốc thú y, không để người dân mua phải sản phẩm kém chất lượng nhưng giá lại cao. Cục Chăn nuôi trước mắt tập trung cho việc xây dựng mạnh kiểm soát con đực giống, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi “tốt nái chỉ tốt ổ, tốt đực thì tốt cả làng”. (Bộ trưởng Cao Đức Phát) |
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi cũng phản ánh, nhiều DN hiện nay NK tinh bò về nước, họ bán ra sao cơ quan nhà nước không biết được, tinh “cận date” vẫn bán rất rẻ. “Đề nghị Cục Chăn nuôi phải có một chương trình hậu kiểm nghiêm ngặt đối với các đơn vị NK tinh hiện nay”, ông Sơn kiến nghị.
Một số định hướng chính
Trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán các hiệp định tự do thương mại, các sản phẩm chăn nuôi nước ngoài sẽ ập vào trong thời gian tới, và ngành chăn nuôi nước ta chắc chắn sẽ còn đối mặt với khó khăn muôn vàn. Trong bối cảnh đó, muốn phát triển được, chúng ta chỉ còn cách tạo nên sự đột biến về thị trường, không chỉ thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Nhiều mặt hàng như trứng, thịt gia cầm, thịt lợn… hiện chúng ta đã cơ bản bão hòa nội địa, khi kinh tế trong nước khó khăn, chăn nuôi cũng bị cuốn theo khó khăn. Vì vậy, chỉ có cách mở thị trường XK. Mà muốn XK được thì phải hạ giá thành, tăng chất lượng.
Đối với TĂCN, người đứng đầu Bộ NN-PTNT khẳng định, sẽ có các giải pháp từng bước chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Hiện tại, Bộ cũng đã trình Chính phủ đề nghị Quốc hội bỏ thuế VAT đối với nguyên liệu TĂCN NK nhằm hạ giá thành cho chăn nuôi trong nước.
Đối với ngành thú y, chúng ta muốn XK được sản phẩm chăn nuôi, chỉ còn cách phải đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra. Tới đây, chúng ta muốn XK, sẽ phải có sự chứng nhận đạt tiêu chuẩn đạt an toàn dịch bệnh từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Nếu không đảm bảo được điều này, trong khi chúng ta cứ khuyến khích SX thì tình hình sẽ còn tai hại hơn.
“Vì vậy, đề nghị các tỉnh phải có một đề án chủ động phòng chống dịch bệnh, chuyển từ bị động chạy theo dịch trước đây sang chủ động phòng ngừa, tiến tới xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các tỉnh. Bộ NN-PTNT đặt hàng cho Cục Thú y làm sao không để xảy ra dịch bệnh”, Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng cũng khuyến khích DN làm giống, làm TĂCN, thức ăn bổ sung, chế biến… để có thể giúp người chăn nuôi tiếp cận dần với KH-KT chăn nuôi trình độ cao, giúp họ chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ lên gia trại, trang trại..
Theo Lê Bền
Nông nghiệp Việt Nam
Leave a Reply