Giá giảm, mua yếu: Nông dân chăn nuôi lao đao
Hiện các tỉnh miền Đông Nam Bộ có khoảng 1.500 trại với vốn đầu tư 2 tỉ đồng/trại, tương đương 3.000 tỉ đồng đầu tư chăn nuôi gia cầm, chưa tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Khu vực này đang tồn hơn 1 triệu con gà, trung bình mỗi con từ 3,5 đến 4 kg, tương đương 3.600 tấn. Trong tình hình này, các trang trại chỉ nuôi cầm chừng, thua lỗ kéo dài dẫn đến tình trạng bỏ trống chuồng trại để tránh tổn thất. Hệ lụy là nhiều nguời chăn nuôi lâm nợ, nguy cơ thiếu thực phẩm kéo dài.
Tình trạng này đã được nhấn mạnh trong buổi họp Giải cứu ngành chăn nuôi, do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ tổ chức ngày 16-5 ở Đồng Nai.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm tỉnh Bình Phước, cho biết giá gà thương phẩm ở miền Đông Nam Bộ đang giảm mạnh, gà bán ra tại trại đã xuống dưới giá thành. Cụ thể giá gà tam hoàng là 38.000-40.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với đầu tháng 2. Giá gà công nghiệp còn 20.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng so với đầu năm. Còn giá heo từ tháng 5-2012 đến nay đều dưới 40.000 đồng/kg (giá thành 41.000-42.000 đồng/kg).
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Mặc dù giá gà rẻ nhưng lại không có ai mua. Thông tin dịch cúm gia cầm H7N9 chỉ mới xảy ra ở Trung Quốc nhưng đã khiến ngành chăn nuôi gà Việt Nam lao đao. Sức mua của người dân đã yếu vì thông tin dịch cúm nay lại càng yếu hơn khi giá bán lẻ thịt gà ngoài thị trường vẫn ở mức cao vô lý so với giá bán tại trại”.
Trước những khó khăn đó, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng cần có cơ chế đưa tin về dịch bệnh để tránh ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, khoanh vùng cụ thể nơi có dịch. Những nơi không có dịch thì tạo mọi điều kiện để người chăn nuôi bán sản phẩm, tránh tình trạng thông tin dịch bệnh tràn lan. Nhà nước cũng cần có chính sách bảo hiểm về giá cả vật nuôi.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Nhà nước cần dành ngay một khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất vay cho người chăn nuôi. Đây là giải pháp hết sức cấp thiết. Trên thực tế Chính phủ đã chỉ đạo giảm và giãn nợ cho ngành chăn nuôi nhưng hầu hết các trang trại chưa được hưởng quyền lợi này.
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM
Leave a Reply